Temu bị ‘giáng đòn’ ở nhiều quốc gia

Temu đã có mặt ở 60 quốc gia, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thiết lập vị thế tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại Indonesia và Việt Nam. Tại Mỹ và châu Âu, chính quyền đang thắt chặt các quy định và áp dụng thuế nhằm ngăn chặn sự bùng nổ của hàng hóa giá rẻ

Sàn thương mại điện tử Temu đã ngừng hoạt động tại Việt Nam trong tuần vừa qua theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Các đơn hàng được thực hiện trên nền tảng này không được phép thông quan. Giao diện của ứng dụng và website đã chuyển đổi từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Bộ Công Thương yêu cầu Temu hoàn tất thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu không sẽ bị chặn truy cập. Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng với Ủy ban Cạnh tranh sẽ phối hợp để giám sát việc thực hiện trách nhiệm của Temu đối với người dùng tại Việt Nam.

Khó chồng khó tại Đông Nam Á

Temu không chỉ đối mặt với thách thức tại Việt Nam mà còn gặp phải nhiều trở ngại tương tự ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia và Thái Lan. Vào tháng 10/2023, chính phủ Indonesia đã ra lệnh gỡ bỏ Temu khỏi các kho ứng dụng. Quốc gia này đã cáo buộc rằng mô hình kinh doanh của nền tảng gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) địa phương.

Ông Budi Arie Setiadi, Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Indonesia, cho biết mô hình kinh doanh của Temu cho phép các nhà sản xuất nước ngoài tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng Indonesia.

Tình trạng này tạo ra một lợi thế không công bằng cho các doanh nghiệp nội địa. Chính phủ Indonesia thậm chí đã quyết định nâng thuế nhập khẩu lên mức 100-200% đối với một số mặt hàng, không chỉ nhằm vào Temu mà còn cả các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác.

Muhammad Habib Abiyan Dzakwan từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS) nhận định rằng giá cả, ưu đãi miễn phí vận chuyển và giảm giá của Temu sẽ không mang lại lợi ích lâu dài cho Indonesia.

Ông cũng cảnh báo rằng Indonesia có thể trở nên phụ thuộc hơn vào các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ, điều này sẽ làm giảm thặng dư thương mại của đất nước và đồng thời làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các SME.

Đơn Hàng Temu được Giảm Giá Cực Sâu, Có đơn Còn Không Cần Thanh Toán Thêm Gì
Đơn hàng Temu được giảm giá cực sâu, có đơn còn không cần thanh toán thêm gì

Jiayu Li từ công ty tư vấn chính sách Global Counsel cho rằng Temu khó có khả năng rút lui khỏi thị trường Indonesia vì nơi đây sở hữu dân số đông đảo, trẻ tuổi và nhạy cảm với giá cả. Bà nhận định: “Trong cộng đồng các doanh nghiệp Trung Quốc, người ta thường nói rằng việc chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á sẽ không thể xảy ra nếu không giành được thị phần tại Indonesia”.

Mặc dù đã ba lần nộp đơn xin cấp phép hoạt động, Temu vẫn chưa nhận được giấy phép tại Indonesia. Công ty này cũng đã chuyển đổi tư cách pháp lý từ công ty mẹ ở Trung Quốc sang một doanh nghiệp địa phương, nhưng vẫn không vượt qua được những rào cản pháp lý.

Tại Thái Lan, sau khi Temu chính thức ra mắt vào cuối tháng 7/2023, thủ tướng nước này đã yêu cầu tiến hành điều tra xem nền tảng này có thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và nghĩa vụ thuế hay không. Chính quyền Thái Lan cho biết họ sẽ tăng cường giám sát đối với các nền tảng như Temu nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nội địa trước sự cạnh tranh từ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.

“Cột thu lôi” cơ quan quản lý

Kể từ khi ra mắt tại thị trường Mỹ vào năm 2022, Temu đã nhanh chóng mở rộng sang châu Âu và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đã khiến Temu trở thành mục tiêu giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý.

Tại Mỹ, Temu đang gặp phải mức thuế nhập khẩu cao cùng với các quy định nghiêm ngặt hơn để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa. Dù vậy, Temu vẫn quyết tâm tìm kiếm những phương án thích ứng, ví dụ như chuyển đổi mô hình kinh doanh từ quản lý toàn phần sang bán quản lý, nhằm tối ưu hóa hiệu quả logistics và giảm chi phí cho người tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu đã tiến hành hai cuộc điều tra liên tiếp đối với Temu, cáo buộc nền tảng này vi phạm các quy định về bảo vệ người tiêu dùng và an toàn sản phẩm. Họ bị cáo buộc sử dụng các chiến dịch giảm giá giả mạo, đánh giá giả mạo và khuyến mại “giới hạn thời gian” gây nhầm lẫn.

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cũng đang xem xét việc bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng hóa từ các nước bên ngoài khu vực. Hành động này có thể tác động mạnh mẽ đến lợi thế cạnh tranh của Temu.

“Temu đã trở thành ‘cột thu lôi’ cho tất cả các cơ quan quản lý. Hiện nay, mọi nơi đều e ngại về việc liệu có nên điều chỉnh các quy định nhập khẩu xuyên biên giới hay không,” Simon Torring, đồng sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Cube, đã nhận định với Guardian.

Hàng giá rẻ là con dao hai lưỡi

Temu được biết đến với chiến lược giá cả phải chăng và các quảng cáo ấn tượng. Ví dụ, một giá đỡ điện thoại MagSafe trên Temu chỉ có giá 3 USD, thấp hơn 7 lần so với mức giá thông thường. Hay một chiếc áo khoác đang được bán tại Việt Nam với giá 15 USD, nhưng lại có mặt trên Temu với mức giá tương tự và miễn phí giao hàng.

Mặc dù người tiêu dùng được hưởng lợi từ giá cả thấp, nhiều doanh nghiệp địa phương đang đứng trước nguy cơ phá sản. Theo Reuters, gần 2.000 nhà máy ở mọi lĩnh vực tại Thái Lan đã đóng cửa và hơn 50.000 công nhân mất việc trong năm tài chính vừa qua, một phần do sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc và chi phí cao.

Dù gặp khó khăn, Temu vẫn tiếp tục mở rộng vào các thị trường mới bằng cách tận dụng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử toàn cầu. Một phân tích của Bain & Co công bố vào tháng 11 cho thấy, sự gia tăng chi tiêu của tầng lớp trung lưu đang phát triển tại Đông Nam Á đã biến khu vực này thành mảnh đất màu mỡ cho các nền tảng thương mại điện tử. Dự đoán đến năm 2024, doanh thu từ mua sắm trực tuyến trong khu vực sẽ đạt gần 160 tỷ USD.

Temu phải ngừng các chương trình tiếp thị liên kết tại Việt Nam. Ảnh: Xuân Sang
Temu phải ngừng các chương trình tiếp thị liên kết tại Việt Nam. Ảnh: Xuân Sang

Trong bốn năm qua, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm dao động từ 16-30%. Tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) đã tăng lên 52,9% so với cùng kỳ năm trước, đưa Việt Nam trở thành thị trường TMĐT lớn thứ ba tại khu vực Đông Nam Á.

Vì lý do đó, Temu không ngần ngại thực hiện các chiến lược khuyến mãi mạnh mẽ để cạnh tranh với Shopee và Lazada, bao gồm việc miễn phí vận chuyển, hoàn trả miễn phí trong vòng 90 ngày, cũng như giảm giá sản phẩm lên đến 90%.

Temu cũng đã khởi động các chương trình chiết khấu lên tới 30%, kèm theo tiền thưởng giới thiệu lên đến 150.000 đồng, nhằm thu hút người dùng Việt Nam tham gia quảng bá nền tảng. Mức hoa hồng này cao hơn nhiều so với tỷ lệ hoa hồng trung bình từ 1,5-2% trên các sàn TMĐT hiện nay tại Việt Nam như Shopee, thậm chí còn vượt xa chương trình thưởng tối đa 30% do TikTok Shop cung cấp.

Về mặt logistics, Temu đã có những cải tiến đáng kể trong thời gian giao hàng tại Việt Nam. Trước đây, do các đơn hàng được gửi từ Trung Quốc, dịch vụ vận chuyển miễn phí tiêu chuẩn thường có thời gian giao hàng từ 8-12 ngày, trong khi giao hàng nhanh mất từ 5-9 ngày.

Nhờ vào việc khai thác tuyến vận chuyển đường bộ từ Quảng Châu, thời gian giao hàng tiêu chuẩn đã rút ngắn xuống chỉ còn 4-7 ngày, mang lại sự cải thiện rõ rệt so với Malaysia và Philippines.

Theo ZNews

Viết một bình luận