Trợ lý AI mới của Amazon được đặt tên là Rufus, một cái tên gây tò mò so với các đối thủ như Siri hay Gemini. Nguồn gốc tên gọi này không mang ý nghĩa phức tạp hay văn hóa như các trợ lý ảo khác, mà đơn giản xuất phát từ hình ảnh một chú chó.
Từ thời La Mã, Rufus đã được dùng để chỉ người tóc đỏ, điển hình như vua William II của Anh với biệt danh Rufus do nước da ửng hồng. Hiện nay, Rufus gợi liên tưởng đến tầng lớp quý tộc Anh, nhưng lại thường được dùng đặt tên cho chó. Âm thanh của Rufus gần giống tiếng sủa, khiến nó trở thành lựa chọn phổ biến cho thú cưng.
Do đó, nhiều người bất ngờ khi Amazon đặt tên trợ lý ảo mới là Rufus. Một thập kỷ sau Alexa, trợ lý ảo lấy cảm hứng từ Thư viện Alexandria, Amazon ra mắt Rufus, được đặt theo tên chú chó đầu tiên của công ty.
Gemini, trợ lý ảo của Google, ban đầu được gọi là “Titan” trước khi DeepMind quyết định đổi tên. Cái tên “Gemini” (Song Tử) không chỉ phản ánh nguồn gốc Latin của nó mà còn thể hiện sự cộng tác giữa DeepMind và Google Research, đồng thời gợi lên sự đa dạng, linh hoạt. Về phần Siri của Apple, tên gọi này có nguồn gốc đơn giản hơn, xuất phát từ tên một đồng nghiệp Na Uy của Dag Kittlaus, đồng sáng lập công ty đã phát triển Siri. “Siri” trong tiếng Na Uy có nghĩa là “người phụ nữ xinh đẹp dẫn đến thành công”.
Năm 1996, giữa thời kỳ bùng nổ dot-com, chú chó Corgi Rufus của hai nhân viên Amazon, Susan và Eric Benson, bắt đầu đồng hành cùng họ đến công ty. Hồi đó, Amazon chỉ là một công ty khởi nghiệp quy mô nhỏ với chưa đến 20 nhân viên. Rufus nhanh chóng hòa nhập vào môi trường làm việc, thường xuyên chơi đùa, nghỉ ngơi trong các cuộc họp và thậm chí còn tham gia vào việc ra mắt tính năng web (với sự hỗ trợ).
Rufus sau đó trở thành biểu tượng quen thuộc trên trang báo lỗi của Amazon, xuất hiện khi người dùng gặp sự cố. Mặc dù Bensons nghỉ hưu năm 2001, Rufus vẫn tiếp tục đến văn phòng cùng người chăm sóc. Chú chó sống đến 15 tuổi và để lại di sản là văn hóa thân thiện với thú cưng tại Amazon.
Toàn cầu hiện có hơn 10.000 chú chó được đăng ký là “nhân viên” tại Amazon, với các văn phòng được thiết kế bao gồm công viên và đồ ăn nhẹ dành riêng cho chúng. Văn hóa doanh nghiệp coi trọng vật nuôi không chỉ riêng Amazon mà còn ở Google, nơi nhân viên nuôi chó được gọi là “Dooglers” và có cả công viên “Doogleplex” tại trụ sở.
Một tòa nhà ở Seattle được Amazon đặt tên là Rufus Building, để tưởng nhớ chú chó Rufus, nguồn cảm hứng cho trợ lý ảo cùng tên. Ông Rajiv Mehta, Phó Chủ tịch phụ trách tìm kiếm và mua sắm của Amazon, khẳng định tên gọi “Rufus” được khách hàng toàn cầu yêu thích sau quá trình nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng.
Mặc dù Rufus đã mất năm 2009, di sản của chú vẫn được tiếp nối. Trợ lý ảo Rufus hiện hỗ trợ khách hàng mua sắm tại Mỹ, Ấn Độ và Anh bằng cách cung cấp thông tin sản phẩm và hướng dẫn quyết định mua hàng. Rufus hiện giao tiếp bằng văn bản và hình ảnh, chưa có giọng nói. Việc tích hợp Rufus với Alexa đang được xem xét nhưng chưa có thông tin chính thức được công bố.